Có thể nói ngành dịch vụ là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid 19 do đó chính sách giảm thuế VAT cho ngành này nên được kéo dài đến năm 2022.
Các ngành dịch vụ nào được giảm thuế VAT và cách áp dụng chính sách giảm ra sao?
Các ngành dịch vụ được giảm thuế VAT bao gồm: vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, vận tải đường bộ khác; dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch; sản phẩm và dịch vụ xuất bản; dịch vụ điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; tác phẩm nghệ thuật và dịch vụ sáng tác, nghệ thuật, giải trí; dịch vụ của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; dịch vụ thể thao, vui chơi và giải trí.
Trong đó, mức giảm thuế VAT cho ngành dịch vụ được áp dụng như sau: Doanh nghiệp, tổ chức tính thuế VAT theo phương pháp khấu trừ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ này được giảm 30% mức thuế suất thuế VAT; doanh nghiệp, tổ chức tính thuế VAT theo phương pháp tỷ lệ phần trăm trên doanh thu sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được giảm 30% mức tỷ lệ phần trăm để tính thuế VAT.
Tại sao nên kéo dài chính sách giảm thuế VAT cho ngành dịch vụ ??
Nếu như tính toán từ bảng cân đối liên ngành cho thấy dịch vụ là nhóm ngành có chỉ số lan tỏa đến giá trị tăng thêm của nền kinh tế tốt nhất so với nhóm ngành nông – lâm, thủy sản và công nghiệp, xây dựng. Khu vực dịch vụ tuy có chỉ số lan tỏa đến giá trị sản xuất thấp nhưng lại lan tỏa đến giá trị tăng thêm của nền kinh tế cao nhất trong ba nhóm ngành lớn (bảng 1). Điều này cho thấy Nghị quyết 406 đối với thuế VAT là rất hợp lý và chuyên nghiệp về mặt kinh tế. Khu vực dịch vụ được hỗ trợ ngoài việc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch thì còn tạo hiệu ứng kích thích đến giá trị tăng thêm của nền kinh tế tốt nhất.
Và khi tính toán từ bảng cân đối liên ngành cho thấy khi giảm 30% thuế VAT của các nhóm ngành dịch vụ dẫn đến chỉ số giá sản xuất (PPI) của nhóm ngành này giảm trực tiếp 1,02% và ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số giá sản xuất của nền kinh tế 0,23%. Sang chu kỳ sản xuất sau, nhóm ngành nông, lâm, thủy sản và nhóm ngành công nghiệp, xây dựng sử dụng đầu vào của nhóm ngành dịch vụ đã giảm giá khiến:
- Chỉ số giá sản xuất của nhóm ngành nông, lâm, thủy sản giảm 0,065%.
- Chỉ số giá sản xuất của nhóm ngành công nghiệp, xây dựng giảm 0,070%.
Có thể thấy, nhóm ngành dịch vụ sử dụng đầu vào của chính mình đã giảm giá ở vòng trước khiến giá trị tăng thêm của nhóm ngành dịch vụ tăng 0.55% dẫn đến GDP tăng 0,2% và chỉ số giá sản xuất giảm 0,05%. Trong khi, tiêu dùng cuối cùng của người dân là hàm nghịch biến của giá cả, nên khi giá giảm thì tiêu dùng cuối cùng tăng lên. Nhúng vectơ tiêu dùng cuối cùng vào hàm Leontief cho kết quả về sự thay đổi về giá trị sản xuất và GDP/giá trị tăng thêm (bảng 2). Tuy nhiên việc giảm thuế VAT chỉ hai tháng có thể không có hiệu quả như mong đợi, bởi chu kỳ sản xuất của khu vực nông, lâm, thủy sản và khu vực công nghiệp, xây dựng có thể lâu hơn hai tháng.