Quyết toán thuế ở doanh nghiệp sản xuất thật không dễ chút nào khi các khoản cứ chồng chéo lên nhau. Cơ quan thuế thường bắt lỗi ở những điểm trọng yếu, những điểm dễ gây rối cho kế toán – thuế nhất. Bài viết này sẽ chỉ cho các bạn 4 lưu ý tiên quyết, bạn nhất định phải lưu ý khi làm quyết toán thuế ở doanh nghiệp sản xuất.
Lợi ích khi có kinh nghiệm quyết toán thuế công ty sản xuất
Công ty sản xuất thường mang đến những đặc thù riêng biệt so với các loại hình doanh nghiệp khác. Hoạt động sản xuất không chỉ phức tạp về quy trình sản xuất mà còn liên quan đến một lượng lớn các chứng từ và số liệu.
Trong quá trình quyết toán thuế, yêu cầu về tính chính xác của số liệu là vô cùng cao. Điều này đặt ra nhu cầu về nhân sự kế toán có kinh nghiệm không chỉ để thực hiện việc rà soát số liệu một cách chính xác và rõ ràng mà còn để có khả năng giải trình với cơ quan thuế một cách thuyết phục.
Việc chọn lựa những người có kinh nghiệm trong việc quyết toán thuế cho các doanh nghiệp sản xuất không chỉ giúp quá trình này diễn ra nhanh chóng mà còn giảm thiểu rủi ro tài chính. Đặc biệt, khi cần phải giải trình trước cơ quan thuế, sự tự tin và khả năng xử lý tình huống của những người có kinh nghiệm sẽ giúp công ty vượt qua mọi thách thức một cách thuận lợi hơn.
>>> Xem thêm: TRÁCH NHIỆM HOÀN THÀNH NGHĨA VỤ NỘP THUẾ TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP
4 lưu ý khi quyết toán thuế ở doanh nghiệp sản xuất
1. Định mức nguyên vật liệu
Đây là vấn đề đầu tiên mà kế toán – thuế cần quan tâm khi làm cho doanh nghiệp sản xuất. Nhiều bạn hoang mang không biết với số lượng sản phẩm lên tới 10000 thì nên chuẩn bị như thế nào? Cách kiểm tra của cơ quan thuế là: xem trên báo cáo bán hàng, chọn ra khoảng 10- 20 sản phẩm có doanh thu cao nhất trong kỳ để kiểm tra và yêu cầu kế toán – thuế gửi định mức của các sản phẩm đó.
Từ định mức tiêu hao nguyên vật liệu đó, họ sẽ so sánh với thành phần xem có phù hợp hay không. Trên bất cứ bao bì sản phẩm nào cũng đều có quy cách đóng gói, cơ quan thuế kiểm tra nếu có chênh lệch, họ sẽ lấy phần chênh lệch đó nhân với số lượng đã bán trong kỳ để loại chi phí đó. Bằng cách này, các bạn cũng có thể tự kiểm tra để có sự chuẩn bị tốt nhất trước khi cơ quan thuế vào kiểm tra.
2. Biến động giá thành
Tại sao giá thành sản phẩm lại biến động qua các thời kỳ? Có phải là do giá nguyên vật liệu, điều chỉnh lương công nhân, giá thị trường biến động? Nhưng giá sản phẩm tăng cao lên đến 10%, thì những lý do trên liệu có thuyết phục được cơ quan thuế?
Đây là câu hỏi mà kế toán – thuế phải tranh cãi rất nhiều. Lý do tăng giá dễ gặp nhất là sản lượng không đồng đều giữa các tháng. Ví dụ, nhà máy có 3 dây chuyền sản xuất, vào giai đoạn tháng 4 – tháng 7, do không có đơn hàng nên chỉ cho vận hành 1 dây chuyền; từ tháng 8 có nhiều đơn hơn nên vận hành hết 3 dây chuyền.
Vậy trong tháng có sản lượng thấp, tổng chi phí khấu hao chia cho sản phẩm đó có làm giá thành tăng lên không? Câu trả lời là không, vì phần khấu hao không dùng cho sản xuất, họ sẽ hạch toán thẳng vào giá vốn bán hàng (tk 632) trong kỳ, chứ không phải hạch toán vào giá thành.
Câu hỏi đặt ra là: khi đưa tiền khấu hao đó vào tk 632 như vậy có được coi là chi phí được trừ hay không? Theo thông tư 78 là không, nhưng khi xử lý thực tế, cán bộ thuế sẽ tùy chỉnh tình huống xem doanh nghiệp của bạn có rủi ro về thuế cao hay thấp.
3. Trích lập dự phòng
Nhiều kế toán – thuế không biết rằng: trích lập dự phòng là vũ khí lợi hại để tối ưu chi phí thuế cho doanh nghiệp. Nguyên tắc của trích lập dự phòng được hiểu đơn giản là đẩy chi phí thuế của hiện tại về tương lai. Nếu đưa chi phí năm nay mà năm sau không xảy ra thì hoàn nhập dự phòng ở năm sau, thời gian trì hoãn nộp thuế sẽ kéo dài.
Đó là chiến lược thời điểm trong tối ưu hóa thuế. Hiện nay, quy định mới đã mở ra nhiều đối tượng được trích lập dự phòng hơn, họ sẽ xem rất kỹ xem có đáp ứng đủ điều kiện để lập hay không. Vậy nên kế toán – thuế nên tận dụng những khoản mà Bộ Tài chính tạo ra để ưu đãi cho doanh nghiệp.
4. Hao hụt trong quá trình sản xuất
Căn cứ khoản 2 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC, hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa hết hạn sử dụng, không được bồi thường thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Còn hàng hóa do phía doanh nghiệp sản xuất, gia công lỗi buộc phải tiêu hủy thì không được đưa vào chi phí được trừ. Tuy nhiên, trên trang web Bộ tài chính từng trả lời câu hỏi về 1 trường hợp sản xuất tấm xốp bị hỏng là: nếu tập hợp lại chi phí, đưa thẳng vào giá vốn thì vẫn được cho là chi phí được trừ.
Kế toán – thuế ngoài dựa vào thông tư, nghị định ra, các bạn cũng nên tham khảo những câu trả lời trên trang web bộ tài chính, vì những câu trả lời như này rất có ích khi có đợt quyết toán thuế. Đứng trước câu hỏi tại sao của cơ quan thuế, các bạn sẽ có giải trình dễ dàng hơn.
Bài viết trên đây là những thông tin mà Đại lý Thuế ACCPRO chia sẻ để giúp bạn biết được “4 lưu ý quan trọng khi quyết toán thuế ở doanh nghiệp sản xuất”. Nếu còn bất kỳ vướng mắc hay vấn đề nào còn chưa rõ cần được giải đáp, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất nhé!