Dù nghị định 15 của Chính phủ quy định giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) xuống còn 8% đã được ban hàng một thời gian nhưng nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Tài chính nên sớm có văn bản hướng dẫn cự thể để doanh nghiệp,và người dân có thể dễ dàng áp dụng hơn.
Tại sao giảm thuế VAT lại không có thông tư cụ thể để hướng dẫn người dân và doanh nghiệp ??
Theo như nghị định số 15 của Chính phủ quy định giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) xuống còn 8%. Việc giảm thuế này áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế VAT 10%. Trong nghị định, Chính phủ không quy định giảm thuế VAT đồng loạt xuống còn 8% với tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ mà đưa ra danh mục loại trừ hàng chục trang, với những hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không được giảm, vẫn giữ nguyên mức thuế suất 10%, được quy định chi tiết trong 3 phụ lục đi kèm nghị định này.
Nhưng sau gần 2 tháng thực hiện (từ 1.2.2022), quy định này đã gây ra nhiều thắc mắc cụ thể: Công ty kinh doanh dịch vụ photo, khi xuất hoá đơn có được giảm 2% VAT không vì đầu vào mực in chịu thuế suất VAT 10% mà giấy thì 8%. Hoặc bia rượu khi bán thương mại thì giữ nguyên 10% nhưng vẫn chai bia đó mà phục vụ khách trên bàn ăn thì lại thành dịch vụ ăn uống hưởng thuế suất 8%…
Không chỉ vậy nhiều ý kiến thắc mắc rằng, hợp đồng ký năm 2021 trở về trước, thuế suất VAT 10%, sang năm 2022 mới quyết toán thì có được tính thuế 8% không? Hay hàng bán tháng 1.2022 nhưng chưa xuất hóa đơn nhưng giao dịch đã hoàn thành, khách đã trả tiền với thuế VAT 10% nhưng xuất hóa đơn trong tháng 2 thì được xuất 10% được không?
Theo đó tại khoản 3 Điều 3 của Nghị định 15 nêu rõ, trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc giao Bộ Tài chính hướng dẫn, giải quyết. Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng, để việc thực hiện giảm thuế VAT 2% được hiệu quả, Bộ Tài chính nên có văn bản hướng dẫn để doanh nghiệp, người dân và cơ quan thuế dễ dàng áp dụng.
Không ít doanh nghiệp, tổ chức, hộ cá nhân kinh doanh gặp khó trong khâu tra cứu, đối chiếu mã hàng hóa, dịch vụ để áp thuế VAT 8%. Vì vậy, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế cần xây dựng các văn bản hướng dẫn chi tiết, dễ thực hiện để thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát. Chính sách đã có hiệu lực, cơ quan thẩm quyền cũng cần xử lý nghiêm các trường hợp không triển khai dù đã được phổ biến.
Các chuyên gia cũng cho rằng, chính sách giảm VAT có độ bao phủ và tác động khá lớn đến thị trường nên khi thực hiện đang còn nhiều bất cập, thắc mắc là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, khi có nhiều bất cập, vướng mắc khi áp dụng giảm 2% thuế VAT, nhiều ý kiến cho rằng Bộ Tài chính nên ban hành Thông tư, văn bản hay chỉ thị hướng dẫn để cả doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý thuế tiếp cận và triển khai đồng bộ, giúp chính sách mới được áp dụng thực hiện hiệu quả.
Trả lời những vấn đề trên một lãnh đạo Văn phòng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, trong Nghị định 15 không giao cho Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn. Quy trình soạn thảo văn bản pháp luật hiện nay thì Luật không nhất thiết phải có Nghị định mà Nghị định cũng không nhất thiết phải có Thông tư.
Nhưng trong trường hợp mà Luật có quy định là Chính phủ ban hành Nghị định thì lúc đó Chính phủ mới thực hiện. Hay trong Nghị định ghi là Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn điểm a, b hay c chẳng hạn thì mới cần” – vị này nói và khẳng định trong trường hợp này không cần phải ban hành Thông tư vì không hướng dẫn gì.