Kế toán tại các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng ngày sẽ phải thực hiện các bút toán ghi nhận hoạt động để duy trì thông tin kế toán đảm bảo các hoạt động hỗ trợ quản trị như lập báo cáo, tham mưu. Một trong các bút toán mà họ thực hiện thường xuyên nhất chính là hạch toán hàng nhập khẩu. Vậy hạch toán hàng mẫu nhập khẩu phi mậu dịch như thế nào? Và hàng hóa mậu dịch khác so với hàng mậu dịch ra sao?
Mậu dịch là gì? Phi mậu dịch là gì?
Mậu dịch là việc trao đổi, mua bán hàng hóa từ nơi này sang nơi khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác do nhà nước trực tiếp quản lý.
Phi mậu dịch là việc xuất nhập khẩu, trao đổi các loại hàng hóa không nhằm mục đích thương mại giữa các vùng lãnh thổ, các quốc gia hoặc các tổ chức dành tặng cho cá nhân/tổ chức của 1 lãnh thổ, quốc gia khác.
Hàng mậu dịch là gì? Hàng phi mậu dịch là gì?
Hàng mậu dịch là gì?
Hàng mậu dịch là loại hàng hóa được doanh nghiệp nhập về với mục đích sản xuất, kinh doanh. Thông thường, hàng mậu dịch không bị giới hạn về số lượng xuất nhập khẩu.
Hàng hóa mậu dịch có hợp đồng rõ ràng, có ký kết văn bản, có đầy đủ các loại giấy tờ, thủ tục, đóng thuế VAT và các loại thuế liên quan khác theo quy định của cơ quan nhà nước.
Hàng phi mậu dịch là gì?
Hàng phi mậu dịch là những loại hàng hóa xuất nhập khẩu không nhằm mục đích kinh doanh, buôn bán mà dùng để viện trợ, nhân đạo, biếu tặng hoặc là hàng mẫu, hàng dùng để quảng cáo… Hàng hóa phi mậu dịch không cần thanh toán và không cần hợp đồng mua bán (hợp đồng sẽ được thay thế bằng thỏa thuận).
- Hàng viện trợ nhân đạo;
- Tài sản di chuyển của các cá nhân, tổ chức;
- Quà tặng, biếu của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài gửi cho các cá nhân, tổ chức ở Việt Nam hoặc ngược lại;
- Hàng hóa tạm xuất nhập khẩu thuộc quyền sở hữu cá nhân được Nhà nước Việt Nam cho miễn thuế;
- Hàng mẫu không thanh toán (trường hợp số lượng hàng mẫu lớn, doanh nghiệp cần nhập về dùng thử không phải bán hàng);
- Phương tiện làm việc, dụng cụ nghề nghiệp tạm xuất, tạm nhập có thời hạn của cơ quan, tổ chức, của các cá nhân xuất nhập cảnh;
- Hàng hóa thuộc quyền sở hữu của cơ quan chức năng, tổ chức quốc tế tại Việt Nam và những người làm việc tại cơ quan, tổ chức này;
- Hành lý cá nhân của người nhập cảnh gửi theo phương thức vận tải đơn hoặc hàng hóa mang theo người của người nhập cảnh vượt tiêu chuẩn miễn thuế;
- Hàng hóa phi mậu dịch khác.
So sánh hàng mậu dịch và hàng phi mậu dịch
1. Điểm giống nhau giữa hàng hóa mậu dịch và hàng hóa phi mậu dịch
- Đều phải trả các khoản phí quốc tế theo quy định và thuế GTGT (VAT) cho nhà nước;
- Đều phải kèm theo hóa đơn (phí quốc tế, phí vận chuyển…) để cơ quan có thẩm quyền có thể kiểm soát được giá trị và kiểm định tính chính xác của hàng hóa.
2. Điểm khác biệt giữa hàng hóa phi mậu dịch và hàng hóa mậu dịch
Bên cạnh điểm giống thì giữa hàng hóa mậu dịch và phi mậu dịch cũng có điểm khác biệt về mục đích xuất nhập khẩu và thời gian nhận hàng hóa. Cụ thể như sau:
TIÊU CHÍ SO SÁNH | HÀNG HOÁ MẬU DỊCH | HÀNG HOÁ PHI MẬU DỊCH |
---|---|---|
Mục đích | Để mua bán, kinh doanh | Không dùng để phục vụ cho mục đích mua bán, kinh doanh mà dùng để biếu tặng, cứu trợ/viện trợ hoặc hàng mẫu, hàng để quảng cáo… |
Thời gian giao nhận hàng hóa | Dài hơn | Ngắn hơn |
Địa điểm đăng ký tờ khai hải quan cho hàng mậu dịch, phi mậu dịch
1. Tờ khai hải quan là gì?
Tờ khai hải quan hay có thể gọi là tờ khai xuất nhập khẩu, là văn bản mà chủ hàng hóa (người nhập khẩu hoặc xuất khẩu) kê khai đầy đủ, chi tiết thông tin về lô hàng (số lượng, tên từng loại hàng hóa…) khi tiến hành xuất khẩu ra nước ngoài hoặc nhập khẩu vào Việt Nam.
Tờ khai hải quan là một trong những thủ tục bắt buộc phải thực hiện nếu cá nhân/tổ chức muốn xuất nhập khẩu một mặt hàng nào đó. Nếu không có tờ khai hải quan hoặc thông tin tờ khai không đúng thì các vấn đề liên quan đến xuất nhập khẩu của hàng hóa đó đều sẽ bị dừng lại.
2. Địa điểm đăng ký tờ khai hải quan
Căn cứ theo Điều 19 Thông tư 38/2015/TT/BTC, địa điểm đăng ký tờ khai hải quan đối với hàng phi mậu dịch và hàng mậu dịch được quy định như sau:
- Đối với hàng hóa xuất khẩu: Cá nhân/tổ chức đăng ký tờ khai hải quan tại 1 trong 3 địa điểm sau:
- Chi cục Hải quan nơi doanh nghiệp có trụ sở hoặc nơi có cơ sở sản xuất;
- Chi cục Hải quan nơi tập kết hàng hóa xuất khẩu;
- Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất hàng.
- Đối với hàng hóa nhập khẩu: Cá nhân/tổ chức đăng ký tờ khai tại 1 trong 2 địa điểm sau:
- Trụ sở Chi cục Hải quan cửa khẩu nơi quản lý địa điểm lưu giữ hàng hóa, cảng đích ghi trên vận tải đơn, hợp đồng vận chuyển;
- Chi cục Hải quan ngoài cửa khẩu nơi doanh nghiệp có trụ sở hoặc nơi hàng hóa được chuyển đến.
- Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo một số loại hình cụ thể thì địa điểm đăng ký tờ khai thực hiện theo từng loại hình tương ứng quy định tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP.
Trên đây là những thông tin về “Mậu dịch là gì? so sánh hàng mậu dịch và hàng phi mậu dịch” mà ACCPRO chia sẻ đến bạn. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có thêm những thông tin bổ ích cho công việc của mình. Nếu bạn còn thắc mắc gì cần ACCPRO tư vấn và giải đáp thêm thì đừng ngại liên hệ ngay nhé.