Rất nhiều doanh nghiệp cố tình không trả hoặc làm sai các quy định chốt, trả sổ BHXH cho người lao động khi họ nghỉ việc. Vậy nếu không chốt sổ BHXH cho người lao động doanh nghiệp bị phạt như thế nào? Hãy cùng ACCPRO tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Doanh nghiệp buộc phải chốt sổ BHXH cho người lao động
Người lao động nghỉ việc, doanh nghiệp buộc phải thực hiện các quy định về BHXH. Theo Khoản 3, Điều 47, Bộ Luật lao động 2012 quy định:
“Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động”.
Mặt khác, tại Khoản 5, Điều 21, Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về trách nhiệm của người sử dụng lao động:
“Người sử dụng lao động phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, căn cứ vào nội dung của luật thì tới thời điểm hiện tại người lao động không thể tự chốt sổ BHXH cho mình. Để có thể thực hiện hiện việc chốt sổ BHXH người lao động cần yêu cầu người sử dụng lao động, các cơ quan BHXH có thẩm quyền trực tiếp quản lý hồ sơ BHXH của mình thực hiện chốt sổ.
Không chốt sổ BHXH cho người lao động doanh nghiệp sẽ bị phạt
Một trong những trách nhiệm quan trọng của doanh nghiệp là đóng bảo hiểm xã hội và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Thế nhưng, hiện nay có không ít trường hợp người sử dụng lao động cố tình giữ lại sổ bảo hiểm xã hội của người lao động do người lao động nghỉ ngang… Trong khi đó, sổ bảo hiểm là giấy tờ quan trọng khi người lao động làm hồ sơ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, do đó, việc chốt sổ chậm có thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi hưởng bảo hiểm của người lao động.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì người sử dụng lao động không hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật thì bị phạt tiền như sau:
Số người lao động bị ảnh hưởng | Mức phạt tiền vi phạm |
---|---|
Từ 1 – 10 | Từ 1.000.000 – 2.000.000 đồng |
Từ 11 – 50 | Từ 2.000.000 – 5.000.000 đồng |
Từ 51 – 100 | Từ 5.000.000 – 10.000.000 đồng |
Từ 101 – 300 | Từ 15.000.000 – 15.000.000 đồng |
Từ 300 trở lên | Từ 15.000.000 – 20.000.000 đồng |
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP thì mức phạt trên đây áp dụng đối với người sử dụng lao động là cá nhân vi phạm, còn mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân nêu trên.
Như vậy, nếu không chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, công ty sẽ bị xử phạt hành chính từ 2 triệu đồng đến 40 triệu đồng, tùy vào số lượng người lao động bị vi phạm theo quy định nêu trên.
Bên cạnh đó, Pháp luật cũng quy định rõ tại Khoản 2, Khoản 3, Điều 47, Bộ luật lao động 2012 và căn cứ vào Khoản 8, Điều 1, Nghị Định số 148/2018/NĐ-CP ban hành ngày 24/10/2018 thời gian giải quyết như sau:
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên.
- Trong trường hợp đặc biệt, người sử dụng lao động có thể kéo dài việc thanh toán nhưng không được quá 30 ngày.
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ BHXH và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.
Người lao động cần làm gì khi công ty không chốt sổ bảo hiểm xã hội?
Theo quy định tại Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và những người khác có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định, hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Do đó, trường hợp công ty không thực hiện chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động thì người lao động có thể liên hệ công ty và yêu cầu công ty chốt sổ bảo hiểm xã hội cho mình.
Nếu công ty vẫn không thực hiện chốt sổ bảo hiểm xã hội theo quy định thì người lao động có thể gửi đơn khiếu nại đến Chánh Thanh tra Sở Lao động-Thương binh và xã hội nơi công ty đặt trụ sở để được giải quyết.
Với những chia sẻ của ACCPRO về chủ đề “không chốt sổ BHXH cho người lao động có bị phạt?”, hi vọng các doanh nghiệp cần lưu ý mức phạt khi không thực hiện chốt sổ BHXH cho người lao động theo quy định, nhằm tránh những sai phạm gây tổn thất không đáng có. Đồng thời, thông qua nội dung xử phạt, người lao động nắm được thời hạn cũng như các quy định khi chốt sổ để đảm bảo quyền lợi cho mình.
Nếu còn bất kỳ vướng mắc hay vấn đề nào còn chưa rõ cần được giải đáp, hãy liên hệ với Đại lý Thuế ACCPRO để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất nhé!