Không ít doanh nghiệp mới thành lập thường xuyên nhầm lẫn giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị doanh nghiệp.
Kế toán quản trị và kế toán tài chính là 2 khái niệm quen thuộc nhưng rất dễ bị nhầm lẫn là giống nhau
A – Kế toán tài chính
Hiểu một cách đơn giản nhất thì kế toán tài chính là việc ghi chép, phản ánh, tổng hợp số liệu, lập báo cáo tài chính phục vụ cho các nhu cầu thông tin cho các đối tượng bên ngoài đơn vị, doanh nghiệp là chính. Kế toán tài chính phản ánh thực trạng và các biến động về vốn và tài sản của doanh nghiệp dưới dạng tổng quát hay phản ánh các dòng vật chất và dòng tiền tệ trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp với môi trường kinh tế bên ngoài.
Quý doanh nghiệp lưu ý nhé, kế toán tài chính doanh nghiệp là vị trí cung cấp thông tin chủ yếu cho các đối tượng bên ngoài doanh nghiệp, do đó để đảm bảo tính khách quan, thống nhất kế toán tài chính phải tuân thủ các nguyên tắc, chuẩn mực và chế độ hiện hành về kế toán của từng quốc gia.
Hơn nữa kế toán tài chính mang tính pháp lệnh, nghĩa là được tổ chức ở tất cả các đơn vị kế toán và hệ thống sổ ghi chép, trình bày và cung cấp thông tin của kế toán tài chính đều phải tuân thủ các quy định thống nhất nếu muốn được thừa nhận. Thông tin kế toán tài chính cung cấp là những thông tin thực hiện về những hoạt động đã phát sinh, đã xảy ra mang tính tổng hợp thể hiện dưới hình thái giá trị.
Quan trọng hơn cả là báo cáo của kế toán tài chính là các báo cáo tài chính tổng quát về sản nghiệp, kết quả hoạt động của doanh nghiệp trong một thời ký báo cáo của kế toán tài chính được thực hiện theo định kỳ thường là hàng năm.
B – Kế toán quản trị
Kế toán quản trị là việc thu thập, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin kinh tế, tài chính theo yêu cầu quản trị và quyết định kinh tế tài chính trong nội bộ đơn vị kế toán. Từ khái niệm được nêu trên, cho thấy những điểm chung nhất về kế toán quản trị là một hệ thống kế toán cung cấp các thông tin định lượng. Những người sử dụng thông tin là những đối tượng trong tổ chức/đơn vị. Và mục đích sử dụng thông tin là để hoạch định và kiểm soát các hoạt động của tổ chức/đơn vị.
=> Vì kế toán quản trị có nội dung rất rộng, nên doanh nghiệp phải hết sức lưu tâm. Bên dưới là một số nội dung cơ bản để nhận biết tầm quan trọng của kế toán quản trị trong doanh nghiệp:
- Kế toán quản trị các yếu tố sản xuất kinh doanh (mua sắm, sử dụng các đối tượng lao động – hàng tồn kho, tư liệu lao động – tài sản cố định, tuyển dụng và sử dụng lao động – lao động và tiền lương,…)
- Kế toán quản trị về chi phí và giá thành sản phẩm (nhận diện sản phẩm, phân loại chi phí, giá thành sản phẩm, lập dự toán chi phí, tập hợp, tính toán, phân bổ chi phí, giá thành, lập báo cáo phân tích chi phí theo bộ phận, theo các tình huống quyết định..)
- Kế toán quản trị về doanh thu và kết quả kinh doanh (phân loại doanh thu, xác định giá bán, lập dự toán doanh thu, tính toán, hạch toán chi tiết doanh thu, phân bổ chi phí chung, xác định kết quả chi tiết, lập báo cáo phân tích kết quả chi tiết theo bộ phận, theo các tình huống ra quyết định..)
- Kế toán quản trị các khoản nợ.
- Kế toán quản trị các hoạt động đầu tư tài chính
- Kế toán quản trị các hoạt động khác của doanh nghiệp
Trên thực tế thì những thông tin của kế toán quản trị doanh nghiệp không chỉ là thông tin quá khứ (thông tin thực hiện) mà còn bao gồm các thông tin về tương lai (kế hoạch, dự toán, dự tính…) Mặt khác, thông tin kế toán quản trị không chỉ là các thông tin về giá trị còn bao gồm các thông tin khác (hiện vật, thời gian lao động…).
Kết thúc phần 1 ở đây trong phần 2 tới chúng ta sẽ đi so sánh hai vị trí kế toán quan trọng này của doanh nghiệp nhé.