Vì doanh nghiệp mới thành lập thường nhầm lẫn kế toán thuế và kế toán doanh nghiệp là một, chính vì thế mà bài viết này được ra đời.
Dễ hiểu tại sao lại có sự nhầm lẫn trên, bởi công việc của kế toán thuế và kế toán nội bộ trong doanh nghiệp rất nhiều và có liên quan mật thiết với nhau tuy nhiên đây là 2 vị trí hoàn toàn khác nhau và có vai trò bổ trợ cho sự phát triển chung của doanh nghiệp nên hãy phân biệt một cách rõ ràng.
Phân biệt kế toán thuế và kế toán nội bộ trong doanh nghiệp mới thành lập
Những điều cần biết về kế toán thuế trong doanh nghiệp mới thành lập
Với những doanh nghiệp mới thành lập thì, bên cạnh một kế toán nội bộ để xử lý các vấn đề liên quan tới hóa đơn, chứng từ các giao dịch kinh tế phát sinh thì cần có kế toán thuế. Kế toán thuế là người chuyên thực hiện xử lý các nghiệp vụ liên quan đến thuế cho doanh nghiệp, có thể thuê ngoài hoặc tuyển dụng riêng nhân viên kế toán.
Có thể nói kế toán thuế đóng vai trò là cầu nối, liên kết giữa doanh nghiệp mới thành lập và nhà nước. Thông qua công việc của kế toán thuế, nhà nước có thể quản lý được nền kinh tế dễ dàng hơn và giúp cho doanh nghiệp kinh doanh một cách ổn định, thực hiện báo cáo thuế đúng, tuân thủ minh bạch, rõ ràng theo quy định của nhà nước .
Công việc của một kế toán thuế trong doanh nghiệpmới thành lập bao gồm:
– Doanh nghiệp mới thành lập, kế toán cần lập tờ khai thuế môn bài để nộp thuế môn bài.
– Tập hợp hóa đơn và chứng từ phát sinh để theo dõi, hạch toán theo từng ngày.
– Cuối tháng lập báo cáo thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thực hiện nộp thuế cho cơ quan nhà nước.
– Mỗi quý, làm báo cáo thuế từng tháng của quý đó và báo cáo thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân, báo cáo sử dụng hóa đơn.
– Cuối năm lập Báo cáo tài chính, báo cáo thuế cho tháng cuối năm của quý IV và báo cáo quyết toán thuế thu nhập cá nhân.
Trách nhiệm của một kế toán thuế trong doanh nghiệp mới thành lập là:
– Lập báo cáo tổng hợp thuế giá trị gia tăng đầu ra của toàn công ty, phân loại theo thuế suất.
– Làm việc trực tiếp với cơ quan thuế khi có phát sinh yêu cầu công việc.
– Kiểm tra, đối chiếu hóa đơn giá trị gia tăng với bảng kê đầu vào, đầu ra.
– Lập báo cáo tổng hợp thuế giá trị gia tăng đầu vào của công ty theo tỷ lệ phân bổ đầu ra được khấu trừ.
– Theo dõi báo cáo tình hình nộp ngân sách, tồn đọng nộp ngân sách, tình hình hoàn thuế của doanh nghiệp.
– Phối hợp với kế toán tổng hợp đối chiếu sổ sách, số liệu báo cáo thuế giữa các cơ sở, giữa báo cáo và quyết toán.
– Lập hồ sơ, ưu đãi đối với các dự án đầu tư mới, đăng ký mới hoặc điều chỉnh giảm khi có phát sinh.
– Lập báo cáo tổng hợp thuế theo định kỳ hoặc đột xuất.
– Kiểm tra hóa đơn đầu vào bằng cách đánh số thứ tự để dễ truy tìm, phát hiện loại hóa đơn không hợp pháp thông báo đến cơ sở có liên quan.
– Hàng tháng đóng chứng từ báo cáo thuế của công ty.
– Kiểm tra báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn để nộp báo cáo cho cục thuế.
– Lập bảng kê danh sách lưu trữ, bảo quản hóa đơn thuế giá trị gia tăng theo thời gian, thứ tự số quyển, không để thất thoát, hư hỏng.
– Kiểm tra, đối chiếu biên bản nhận, trả hàng để điều chỉnh doanh thu, báo cáo thuế kịp thời khi có phát sinh.
– Cập nhật kịp thời các thông tin về sự thay đổi của Luật thuế, các Thông tư, Nghị định mới ban hành có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
– Theo dõi tình hình giao nhận hóa đơn.
– Hàng tháng, quý, năm báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn trong kỳ.
Những điều cần biết về kế toán nội bộ trong doanh nghiệp mới thành lập
Trên thực tế kế toán nội bộ có nhiệm vụ tập hợp tất cả các phát sinh thực tế, từ những phát sinh không có hóa đơn, chứng từ. Qua đó, kế toán nội bộ lấy căn cứ để xác định lãi, lỗ thực tế của doanh nghiệp. Kế toán nội bộ có nhiệm vụ tập hợp tất cả các phát sinh thực tế trong doanh nghiệp.
Do đó, công việc của một kế toán nội bộ là đảm nhiệm tất cả việc ghi chép sổ sách kế toán, các hoạt động diễn ra hàng ngày như:
– Phát hành, kiểm tra và kiểm soát tính hợp lệ, hợp pháp của chứng từ kế toán nội bộ, luân chuyển theo đúng trình tự.
– Hạch toán các chứng từ kế toán nội bộ.
– Lưu trữ toàn bộ chứng từ nội bộ một cách khoa học, hợp lý và an toàn.
– Kiểm soát, phối hợp thực hiện công việc đối với các kế toán nội bộ khác.
– Lập báo cáo hàng tuần, tháng, quý, hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của nhà quản lý.
Không chỉ vậy, kế toán nội bộ có thể được giao nhiệm vụ thống kê, phân tích số liệu về tình hình sản xuất, kinh doanh thực tế của doanh nghiệp. Qua đó làm căn cứ để đưa ra những tư vấn cho giám đốc điều hành về các quyết định của doanh nghiệp.