Chủ doanh nghiệp khi muốn đóng cửa doanh nghiệp phải tiến hành thủ tục giải thể doanh nghiệp và hoàn thành các nghĩa vụ hiện có tính đến thời điểm đăng ký giải thể công ty. Vậy khi muốn giải thể công ty, doanh nghiệp thì có quy trình, hồ sơ và thủ tục như thế nào?
Giải thể công ty, doanh nghiệp là gì?
Giải thể doanh nghiệp (hay còn được gọi là giải thể công ty) là quá trình chấm dứt hoạt động của một doanh nghiệp hoặc công ty theo quy định của pháp luật. Quá trình này thường được thực hiện khi doanh nghiệp không còn hoạt động kinh doanh, gặp khó khăn tài chính, hoặc khi các chủ sở hữu quyết định dừng hoạt động doanh nghiệp.
Các trường hợp được giải thể công ty, doanh nghiệp
Theo Luật Doanh nghiệp, 4 trường hợp doanh nghiệp phải thực hiện giải thể (tự nguyện hoặc bắt buộc) bao gồm:
- Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;
- Theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân; của tất cả thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty TNHH; của đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;
- Số lượng thành viên tối thiểu của công ty không đủ liên tục trong 6 tháng mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;
- Bị thu hồi giấy phép kinh doanh (trừ khi có quy định khác từ Luật Quản lý thuế).
Tuy nhiên để có thể hoàn thành thủ tục giải thể, doanh nghiệp phải bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác. Đồng thời, doanh nghiệp đang không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài.
Hồ sơ giải thể công ty, doanh nghiệp
Giải thể công ty có 2 trường hợp là giải thể tự nguyện và giải thể bắt buộc. Hơn nữa, mỗi trường hợp giải thể còn được chia thành nhiều trường hợp nhỏ hơn.
1. Giải thể công ty tự nguyện
Giải thể tự nguyện sẽ gồm 2 trường hợp nhỏ: chưa phát sinh hóa đơn và đã phát sinh hóa đơn. Dù doanh nghiệp giải thể đã phát sinh hay chưa phát sinh doanh thu, đều phải nộp hồ sơ đồng thời cho cơ quan quản lý thuế và Sở KH&ĐT với chi tiết hồ sơ như sau:
Hồ sơ giải thể đã phát sinh/chưa phát sinh hóa đơn gửi cơ quan thuế với chi tiết hồ sơ bao gồm:
- Văn bản đề nghị chấm dứt hiệu lực mã số thuế;
- Xác nhận không nợ thuế hải quan;
- Biên bản họp về việc giải thể của hội đồng cổ đông (công ty cổ phần) hoặc hội đồng thành viên (công ty TNHH 2 thành viên trở lên);
- Quyết định giải thể công ty;
- Giấy ủy quyền.
Hồ sơ giải thể đã phát sinh/chưa phát sinh hóa đơn gửi Sở KH&ĐT với chi tiết hồ sơ gồm:
- Thông báo giải thể;
- Quyết định giải thể;
- Biên bản họp về việc giải thể của hội đồng cổ đông (công ty cổ phần) hoặc hội đồng thành viên (công ty TNHH 2 thành viên trở lên);
- Danh sách người lao động;
- Danh sách chủ nợ và các khoản nợ đã thanh toán;
- Báo cáo thanh lý tài sản;
- Giấy xác nhận trả con dấu cho cơ quan công an;
- Giấy ủy quyền.
2. Giải thể công ty bắt buộc
Doanh nghiệp thuộc trường hợp buộc phải giải thể theo lệnh của Tòa án hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp… chuẩn bị bộ hồ sơ tương tự với hồ sơ giải thể tự nguyện. Tuy nhiên, quy trình thực hiện sẽ có vài điểm khác biệt. Anpha sẽ hướng dẫn cụ thể cho bạn ở nội dung tiếp theo của bài viết này.
Quy trình giải thể công ty, doanh nghiệp
1. Giải thể công ty tự nguyện
Giải thể doanh nghiệp chưa phát sinh hóa đơn, doanh thu
Sau khi chuẩn bị bộ hồ sơ như hướng dẫn, bạn tiến hành các bước nộp hồ sơ cho cơ quan thuế và Sở KH&ĐT như sau:
Nộp hồ sơ giải thể cho cơ quan thuế
- Bước 1: Nộp hồ sơ xác nhận không nợ thuế;
- Bước 2: Tất toán tài khoản ngân hàng;
- Bước 3: Nộp hồ sơ giải thể tại Chi cục Thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp;
- Bước 4: Nộp các báo cáo liên quan khác tại thời điểm giải thể như: báo cáo thuế/quý, hồ sơ quyết toán thuế, đối chiếu nợ thuế, tờ khai lệ phí môn bài/thuế GTGT quý…
Nộp hồ sơ giải thể cho Sở KH&ĐT
- Bước 1: Nộp hồ sơ thông báo đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin quốc gia;
- Bước 2: Nộp hồ sơ công bố doanh nghiệp đã giải thể;
- Bước 3: Nộp hồ sơ bản giấy trực tiếp tại Sở KH&ĐT và nhận kết quả giải thể.
Giải thể doanh nghiệp đã phát sinh hóa đơn, doanh thu
Nhìn chung, các bước giải thể của doanh nghiệp đã phát sinh doanh thu tương tự với trường hợp chưa phát sinh doanh thu, chỉ khác là doanh nghiệp phải nộp thông báo hủy hóa đơn cho Chi cục Thuế và quá trình xét duyệt các vấn đề về thuế phức tạp hơn. Chi tiết các bước thực hiện như sau:
Nộp hồ sơ giải thể cho cơ quan thuế
- Bước 1: Nộp hồ sơ xác nhận không nợ thuế tại Tổng cục Hải quan;
- Bước 2: Tất toán tài khoản ngân hàng;
- Bước 3: Nộp hồ sơ giải thể tại Chi cục Thuế;
- Bước 4: Nộp các báo cáo liên quan cho Chi cục Thuế như: thông báo hủy hóa đơn, báo cáo thuế/quý chưa nộp tại thời điểm giải thể, hồ sơ quyết toán thuế, đối chiếu tờ khai thuế, các khoản nợ thuế…
Nộp hồ sơ giải thể cho Sở KH&ĐT
Bước 1: Nộp hồ sơ thông báo đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin quốc gia;
Bước 2: Nộp hồ sơ công bố doanh nghiệp đã giải thể;
Bước 3: Nộp hồ sơ bản giấy trực tiếp tại Sở KH&ĐT và nhận kết quả giải thể.
2. Giải thể công ty bắt buộc
Dù không chia thành 2 trường hợp đã/chưa phát sinh doanh thu như giải thể tự nguyện nhưng giải thể bắt buộc hầu như sẽ liên quan đến quyết định của Tòa án. Do vậy, quy định, trình tự thực hiện giải thể bắt buộc sẽ có phần khó khăn hơn so với giải thể tự nguyện.
Đồng thời, tùy vào từng trường hợp mà doanh nghiệp buộc phải giải thể mà trình tự thực hiện thủ tục sẽ khác nhau.
Giải thể công ty do bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Nộp hồ sơ giải thể cho cơ quan thuế: tương tự như trường hợp giải thể tự nguyện.
Nộp hồ sơ giải thể cho Sở KH&ĐT:
- Bước 1: Ngay sau ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc nhận quyết định giải thể của Toà án, cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (kèm quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định của Tòa án);
- Bước 2: Trong vòng 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định giải thể từ Tòa án, doanh nghiệp phải tổ chức cuộc họp để thông qua quyết định giải thể. Sau đó, doanh nghiệp gửi quyết định giải thể đến cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế và các cá nhân, tổ chức liên quan như người lao động, khách hàng, đối tác…;
- Bước 3: Niêm yết công khai quyết định giải thể tại trụ sở chính công ty và các đơn vị phụ thuộc khác như chi nhánh, văn phòng đại diện (nếu có).
- Bước 4: Trường hợp chưa thanh toán xong các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính khác, doanh nghiệp phải gửi phương án giải quyết đến chủ nợ, cá nhân, tổ chức có liên quan;
- Bước 5: Doanh nghiệp tổ chức thanh lý tài sản và các khoản nợ;
- Bước 6: Trong vòng 5 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn tất các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính liên quan, doanh nghiệp nộp yêu cầu giải thể doanh nghiệp cho Sở KH&ĐT;
- Bước 7: Sở KH&ĐT sẽ cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp “đã giải thể” trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nếu không có sự phản đối nào từ các bên liên quan trong vòng 180 ngày, kể từ ngày thông báo doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể, hoặc trong vòng 5 ngày làm việc, kể từ ngày Sở KH&ĐT nhận hồ sơ giải thể.
Giải thể công ty do không đảm bảo số lượng thành viên theo quy định về loại hình
Ngoài trường hợp bị thu hồi giấy phép, nếu doanh nghiệp thay đổi số lượng thành viên nhưng không làm thủ tục điều chỉnh loại hình doanh nghiệp trong 6 tháng liên tục thì thuộc trường hợp giải thể bắt buộc. Tuy nhiên, với trường hợp này, bạn thực hiện thủ tục tương tự như giải thể tự nguyện
Trên đây là quy trình, hồ sơ và thủ tục giải thể công ty, doanh nghiệp năm 2023 mà ACCPRO chia sẻ đến bạn. Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có thêm những thông tin bổ ích cho công việc của mình. Nếu bạn còn thắc mắc gì cần ACCPRO tư vấn và giải đáo thêm thì đừng ngại liên hệ ngay nhé.