Vậy là từ tháng 9/2022 những cá nhân tổ chức đứng ra kêu gọi từ thiện đều phải mở sổ kế toán và ghi chép công khai minh bạch số tiền và những hoạt động sử dụng tiền từ thiện của mình.
Tại sao làm từ thiện phải mở sổ kế toán ghi chép minh bạch ??
Căn cứ theo những nội dung được nêu tại Thông tư số 41/2022/TT-BTC ngày 05/7/2022 của Bộ Tài chính hướng dẫn cho chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện.
Theo đó, thông tư số 41/2022/TT-BTC còn được áp dụng với Quỹ xã hội, Quỹ từ thiện thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật cũng như Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp (Trung ương, tỉnh, huyện xã) và các tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, cũng như phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện.
Thông tư số 41/2022/TT-BTC còn nêu rõ, đối với tất cả các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân có các hoạt động liên quan đến vận động, tiếp nhận, hay phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện đều phải tiến hành mở sổ kế toán ghi chép đầy đủ các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, cũng như lập báo cáo và minh bạch thông tin theo quy định của Thông tư này cũng như pháp luật có liên quan.
Bên cạnh đó, các tổ chức, cơ quan, đơn vị có các hoạt động xã hội, từ thiện có tổ chức và kế toán riêng để hạch toán các hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện cũng phải thực hiện mở sổ kế toán ghi chép, hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, cũng như lập báo cáo tài chính đầy đủ, minh bạch theo quy định.
Ngoài ra, các tổ chức, cơ quan, đơn vị có các hoạt động xã hội, từ thiện được giao kiêm nhiệm, nhưng không tổ chức kế toán riêng để hạch toán các hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện cũng phải hạch toán trên cùng hệ thống sổ kế toán của đơn vị, theo chế độ kế toán mà đơn vị đang áp dụng.
Tất cả các đơn vị hoạt động từ thiện cũng phải mở sổ chi tiết để theo dõi riêng cho các hoạt động này, nhằm đảm bảo quản lý, sử dụng đúng mục đích tiền từ thiện. Bên cạnh đó, hàng năm hoặc định kỳ cũng phải lập báo cáo thu, chi đối với hoạt động xã hội, từ thiện của đơn vị trong năm theo quy định tại Thông tư này và cần thực hiện công khai số liệu theo quy định của pháp luật, đồng thời phải thuyết minh riêng với số liệu các hoạt động xã hội, từ thiện trên báo cáo tài chính chung của đơn vị rõ ràng và minh bạch.
Các tổ chức hoạt động xã hội, từ thiện cũng có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, cũng như phân phối nguồn đóng góp tự nguyện phải thực hiện theo quy định và đồng thời công khai tình hình tiếp nhận và phân phối nguồn đóng góp theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, các cá nhân tổ chức làm từ thiện cần chú ý việc ghi sổ kế toán phải căn cứ vào chứng từ kế toán, mọi số liệu ghi trên sổ kế toán phải có chứng từ kế toán hợp lệ, hợp pháp chứng minh. Và trong trường hợp ghi sổ kế toán thủ công, phải dùng mực không phai, không dùng mực đỏ để ghi sổ kế toán (trừ bút toán điều chỉnh). Và phải thực hiện theo trình tự ghi chép và các mẫu sổ kế toán quy định tại Phụ lục số 01.
Chưa kết, các tổ chức cũng cần phải ghi hết trang sổ, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân phải cộng số liệu của từng trang để có thể mang số cộng trang trước sang đầu trang kế tiếp, cũng như không được ghi xen thêm vào phía trên hoặc phía dưới. Nhưng nếu không ghi hết trang sổ phải gạch chéo phần không ghi, chứ không tẩy xoá, cấm dùng chất hoá học để sửa chữa.
Sau cùng thông tư số 41/2022/TT-BTC sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18/08/2022. Do đó, các tổ chức, cơ quan, đơn vị có các hoạt động xã hội, từ thiện, có tổ chức kế toán riêng để hạch toán các hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện có thể tiếp tục thực hiện chế độ kế toán đang áp dụng đến hết năm tài chính 2022. Nhưng từ năm tài chính 2023 phải chuyển sổ kế toán và thực hiện theo quy định của Thông tư này.